Tại sao mỏ của loài chim lại có nhiều hình dạng?

Giống như các loài động vật khác, mỏ của loài chim có rất nhiều hình dạng. Ví dụ, mỏ của chim hạc to, dài và mảnh, tỏ ra rất khoẻ và có sức hơn đối với việc mò thức ăn ở chỗ nước nông và cặp chặt tôm cá cho khỏi trơn tuột. Mỏ trên của vẹt rất cứng và dày, giống như nửa chiếc sừng trâu cưa dọc, rất có lợi cho việc kẹp vỡ các quả khô. Hình dạng mỏ đặc biệt của chim sẻ giao mỏ là giao chéo nhau, rất có tác dụng để gắp các hạt thông trong quả thông hình cầu. Mỏ dưới của chim bồ nông mang một cái diều rất to, sau khi nó bắt được cá lớn thì đã có một chỗ đựng rất tốt.
Mỏ chim có nhiều hình dạng
Mỏ của các loài chim ăn sâu thông thường dài, mảnh và nhọn giống như cái trâm sắt, thích hợp để ăn các loại côn trùng nhỏ bé. Ví dụ, các loài chim như chim trĩ, liễu oanh, đặc tính của chúng rất nhanh nhẹn, chỉ thích ăn ấu trùng vừa từ trong trứng nở ra, hoặc nhãn trùng trong quả, những ấu trùng trốn trong kẽ lá, ngoài ra sức ăn của chúng rất khoẻ, mỗi ngày có thể ăn hết số côn trùng, ấu trùng còn nặng hơn thể trọng của chúng. Những loài chim này có công rất lớn đối với vườn rau, vườn quả, có thể nói là đội tiên phong tiêu diệt côn trùng có hại.

Mỏ của các loài chim như chim hét, chim sáo không chỉ nhọn, dài mảnh mà đầu mút của mỏ trên hơi quặp xuống, có thể móc được những con sâu chui trong đất hoặc trong kẽ nứt của vỏ cây.

Chim chàng làng có kích thước gần như chim hét, mỏ tương đối thô và ngắn, mà đầu mút trên quắp xuống dưới, thích hợp để rỉa thịt của động vật. Chúng không những có thể tiêu diệt được côn trùng cánh cứng lớn, sâu róm to, mà còn có thể ăn những loài động vật cỡ nhỏ và các loài chim nhỏ khác.

Còn có một số loài chim ăn thịt cỡ lớn, như chim cú, mỏ của chúng rất to, khỏe, và chiếc móc ở đầu mỏ rất sắc nhọn. Thức ăn chủ yếu là chuột và các loài chim khác, thậm chí chúng có thể xé nát xác chết của các loài thú cỡ lớn. Song thức ăn chủ yếu của chúng là chuột đồng, ví dụ cú tai dài hằng ngày có thể tiêu diệt được 3 – 4 con chuột, chúng là trợ thủ đắc lực để bảo vệ mùa màng.

Mỏ của chim nhạn bẹt và rộng, có hình tam giác, sau khi há ra lại trở thành hình bình hành 4 cạnh. Do diện tích sau khi há mỏ rất lớn, khi chúng bay nhanh trên không trung, nhiều loài muỗi rơi vào miệng chúng. Vì vậy, chim nhạn đã trở thành tay thiện nghệ tiêu diệt muỗi trong không trung.

Điều đáng chú ý nhất là có một số chim nhỏ, như chim sẻ đồng, chim tước đỏ…, mỏ của chúng nhỏ nhưng thô, ngắn, có hình nón, chuyên mổ hạt cây, hạt ngũ cốc rất giỏi.

Do vậy có thể thấy rằng, các hình dạng của mỏ chim thích nghi mật thiết với môi trường sống của chúng, đặc biệt là đồ vật mà chúng ăn. Vì vậy, hình dạng của mỏ chim là kết quả của sự phát triển lâu dài về hoạt động kiếm mồi của động vật.