Tại sao nói cá là tổ tiên của loài lưỡng cư?

Loài cá thở bằng mang, bơi bằng vây, là động vật có xương sống, sống trong nước. ếch là loài lưỡng cư, khi còn nhỏ gọi là nòng nọc, ở trong nước, dùng mang để thở. Sau khi trưởng thành, ếch lên trên cạn thì hô hấp bằng phổi. Nhìn sơ qua loài cá, loài lưỡng cư là hai loài động vật không hề liên quan đến nhau. Nhưng sau khi nghiên cứu và phân tích kĩ, người ta đã phát hiện giữa hai loài động vật có mối quan hệ với nhau. Các nhà khoa học khi nghiên cứu đã đào các hóa thạch động vật trong lòng đất và phát hiện thấy giáp bì của sọ một loài cá vây tay cổ rất giống với giáp bì của nhóm ếch, nhái cổ. Hệ thống tuần hoàn của hai loại cũng có nhiều điểm tương tự. Đặc biệt là vây ngực và vây bụng của cá vây tay thịt rất dày, việc sắp xếp của xương vây và xương chi của động vật lưỡng cư cổ đại rất giống nhau. Hơn nữa, cá vây tay đã thể hiện rõ là dùng phổi để thở.

Vậy thì tại sao cá vây tay lại có thể tiến hóa thành loài lưỡng cư được nhỉ?

Khoảng bốn trăm triệu năm trước – thời kì của kỉ Đêvôn, trong ao hồ nước ngọt của giới tự nhiên có loại cá thở bằng phổi sinh sống với số lượng rất nhiều. Loại cá này thân hình giống quả chùy, có chiều dài hơn 1 m, bơi rất nhanh, là loài cá ăn thịt, sống rất tự do. Sau đó, tới thời kì cuối kỉ Đêvôn, trên Trái Đất xuất hiện thực vật trên cạn là loài quyết, loài mộc tặc, thanh tùng to lớn. Trải qua mấy chục triệu năm, đến kỉ Cacbon, khi đó khí hậu tương đối ấm áp, ẩm thấp, do vậy thực vật sống trên cạn rất phát triển, không chỉ về chủng loại mà còn mọc rất rậm rạp. Có một số loài mọc ven hồ và sông suối, những lá khô rơi xuống nước cùng với những thực vật mọc dưới nước, những rễ cây, tất cả khi bị thối rữa đã làm cho nguồn dưỡng khí trong nước bị giảm sút. Những loài cá sống dưới nước khi đó oxy không đủ đã làm cho những loài cá thở bằng mang không thích ứng được đã bị chết nhưng cũng còn một số cá thở bằng phổi đã dùng vây ngực và vây bụng để đỡ lấy thân cá hoặc cá nổi lên trên mặt nước hoặc bơi đến những gốc rễ cây mọc bên dòng nước để hô hấp. Do chất lượng nước ngày càng kém mà loài cá này càng dựa vào việc hô hấp không khí ngày một tăng. Có con thậm chí còn nhảy hẳn lên bờ để hô hấp mà sống. Mặt khác, do sự thay đổi của khí hậu gặp khi mùa khô hạn, một số loài cá thở bằng phổi sống ở vùng nước nông, dùng vây ngực và bụng để đỡ cơ thể, chúng chuyển từ vùng nước khô hạn đến nơi có nhiều nước. Vây ngực và bụng của cá do lâu ngày chống đỡ thân cá, cơ thịt có sự thay đổi tương đối lớn. Xương vây dần dần thay đổi gần giống với chi phụ hình năm ngón của động vật sống trên cạn. Cá thở bằng phổi thời cổ đại đã dần dần tiến hóa thành động vật lưỡng cư và trở thành tổ tiên của động vật bốn chân trên cạn.
Ảnh đen trắng: Cá đuôi ngọn giáo
Loài cá cổ nay được cho là đã bị tuyệt chủng nhưng tháng 12 năm 1938 ở gần bờ Đông Hải Nam Bộ của Châu Phi đã bắt được loại cá này và được đặt tên là cá “Latimeria”. Do phần giữa vây đuôi của cá phình ra giống hình ngọn giáo nên được gọi là “cá đuôi hình ngọn giáo”.

Phát hiện này gây chấn động toàn thế giới vì việc đánh bắt cá thở bằng phổi không chỉ là chứng cứ đầy đủ chứng minh được những tài liệu hóa thạch mà còn là căn cứ cho việc chứng minh loài cá thở bằng phổi đã tiến hóa thành động vật lưỡng cư. Hơn nữa, nó còn phá vỡ quan niệm cho rằng loài cá thở bằng phổi đã bị tuyệt chủng cách đây 70 triệu năm.